Thi Viên Chức Khác Tỉnh

  1. Viên chức là gì?

Định nghĩa viên chức được quy định tại Điều 2 Luật Viên chức 2010. Theo đó, viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó:

- Vị trí việc làm: Là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng; là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (theo Điều 7 Luật Viên chức).

- Đơn vị sự nghiệp công lập: Là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý Nhà nước (theo Điều 9 Luật Viên chức).

- Chế độ hợp đồng: Hiện nay, viên chức được ký một trong hai loại hợp đồng làm việc: Không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Cụ thể, theo khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Luật Viên chức, 02 loại hợp đồng này được quy định như sau:

  • Hợp đồng làm việc xác định thời hạn: Là hợp đồng hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian từ 12 - 60 tháng;
  • Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn: Là hợp đồng hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.
  1. Thi viên chức khác tỉnh có được không?

Điều 22 Luật Viên chức 2010 quy định về điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức. Theo đó, người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển viên chức:

- Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;

- Từ đủ 18 tuổi trở lên. Người đăng ký dự tuyển vào vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao có thể thấp hơn 18 tuổi nhưng phải từ đủ 15 tuổi trở lên và được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật (Khoản 2 Điều 5 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức).

- Có đơn đăng ký dự tuyển;

- Có lý lịch rõ ràng;

- Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;

- Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;

- Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Viên chức bổ sung. Các điều kiện đó không được thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo (Khoản 1 Điều 5 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức).

Như vậy, không có điều kiện nào buộc người dự tuyển viên chức phải đăng ký thi tuyển viên chức tại tỉnh nơi họ cư trú. Người đăng ký dự tuyển viên chức được đăng ký thi tuyển viên chức khác tỉnh.

  1. Trường hợp không được đăng ký dự tuyển viên chức

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật Viên chức 2010, những người sau đây không được đăng ký dự tuyển viên chức:

- Người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.

Điều này có nghĩa là, những người tuy đủ điều kiện dự tuyển viên chức tại Khoản 1 Điều 22 Luật Viên chức 2010 nhưng lại thuộc một trong các trường hợp trên thì cũng không được đăng ký dự tuyển viên chức.

Như vậy, pháp luật không cấm việc thi viên chức khác tỉnh, miễn là cá nhân đó đáp ứng những điều kiện đăng ký dự thi theo quy định.