Ho Kéo Dài, Nguyên Nhân Và Khi Nào Cần Gặp Bác Sĩ

NGUYÊN NHÂN HO KÉO DÀI?

Ho không phải lúc nào cũng là có hại, về bản chất là một cơ chế phản xạ bảo vệ của cơ thể chống lại các chất lạ xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp như vi khuẩn virus hay các dị vật, chất nhầy đường hô hấp. Ho được gọi là kéo dài khi tồn tại từ 3 tuần trở lên không thuyên giảm kể cả khi dùng các thuốc điều trị chống ho. Các nguyên nhân thường gặp gây ho kéo dài bao gồm:

  1. Các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên: viêm mũi xoang nhiễm khuẩn, viêm mũi xoang dị ứng, viêm họng thanh quản cấp tính…nhiều trường hợp sau đợt điều trị cấp tính bệnh nhân còn ho kéo dài dai dẳng
  2. Hen phế quản: là nguyên nhân gây ho kéo dài hàng đầu ở trẻ em, người lớn khi ho kéo dài dai dẳng, ho có đờm trắng dính, ho nhiều về đêm, có tiếng cò cử, khò khè đều có thể nghĩ tới nguyên nhân do hen phế quản. Nếu bệnh nhân có tiền sử dị ứng thức ăn hay một loại dị nguyên khác, hoặc gia đình có người thân trực hệ mắc hen phế quản thì càng tăng nguy cơ mắc hen phế quản khi có triệu chứng ho kéo dài
  3. Trào ngược dạ dày thực quản: đây là nguyên nhân gây ho kéo dài dai dẳng thường gặp trong những năm gần đây, với triệu chứng chủ yếu là ho kéo dài, đặc biệt khi nằm, và đỡ khi đứng dậy đi lại. Ngoài ra bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản như ợ hơi ợ nóng ợ chua, cảm giác nuốt nghẹn, vướng mắc ở cổ…
  4. Viêm phế quản tăng tiết bạch cầu ái toan không do hen phế quản: cũng là một nguyên nhân thường gặp trong thời gian gần đây, bệnh nhân có các triệu chứng ho kéo dài tuy nhiên không có tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp, xét nghiệm máu có bạch cầu ái toan tăng trên 3%. Những bệnh nhân này cũng thường có tiền sử dị ứng
  5. Các bệnh phổi mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh giãn phế quản, bệnh viêm phế quản mạn tính, bệnh ung thư phế quản phổi, tràn dịch màng phổi do các nguyên nhân khác nhau. Triệu chứng của các bệnh phổi mạn tính đa dạng, cần có sự thăm khám và chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa
  6. Bệnh viêm phổi cấp do các loại virus, vi khuẩn, áp xe phổi, viêm phổi mạn tính do lao
  7. Hút thuốc lá thuốc lào lâu năm cũng là một nguyên nhân gây ho dai dẳng kéo dài
  8. Dùng các thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế men chuyển angiotensin
  9. Ngoài ra còn có các nguyên nhân hiếm gặp như lạc nội mạc phế quản phổi, xơ phổi vô căn, nhuyễn sụn khí phế quản, dị dạng động tĩnh mạch phổi, bệnh tim mạch như tăng áp lực động mạch phổi…

KHI NÀO BỆNH NHÂN HO KÉO DÀI NÊN ĐI KHÁM?

Bệnh nhân ho kéo dài thường ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, nhất là những trường hợp ho kéo dài về đêm, khiến bệnh nhân phải thức giấc, gây mất ngủ, khiến cơ thể mệt mỏi kéo dài.

Do vậy nếu bệnh nhân ho kéo dài trên 3 tuần hoặc ho kèm các triệu chứng ho ra máu, ho đờm xanh vàng, đờm màu gỉ sắt, ho kèm sốt về chiều, sốt từng cơn, sốt rét run, tức ngực khó thở…thì cần đến bệnh viện gặp bác sĩ để được khám, nghe phổi, tư vấn làm các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác bệnh đang mắc.

Bên cạnh đó những bệnh nhân có nguy cơ cao mắc ung thư phổi như người hút thuốc lá lâu năm, tiền sử gia đình có người thân trực hệ mắc ung thư, nếu có ho kéo dài cần được sàng lọc nguy cơ mắc ung thư phổi

* Nếu bạn hoặc người thân có các biểu hiện ho kéo dài như trên, có thể liên hệ Khoa Khám bệnh và điều trị tự nguyện để được tư vấn và hướng dẫn.

Khoa khám bệnh và điều trị tự nguyện, sát cổng chính bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.

0814 350 359