Nghỉ Sinh Có Được Coi Là Thời Gian Để Tính Phép Hằng Năm Hay Không?

  1. Thời gian hưởng chế độ thai sản

Khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã quy định về những đối tượng có điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

(1) Lao động nữ mang thai;

(2) Lao động nữ sinh con;

(3) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

(4) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

(5) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

(6) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

Trong đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật BHXH thì lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 Luật BHXH thì trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 34. Thời gian nghỉ này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.

Còn đối với lao động nam, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:

- 05 ngày làm việc;

- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;

- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;

- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nam được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

  1. Thời gian nghỉ phép hằng năm

Điều 113 BLLĐ quy định về chế độ nghỉ phép hằng năm của người lao động như sau:

- Đối với người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

+ 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

+ 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

+ 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Ngoài ra, cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm trên của người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

- Đối với người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Cụ thể, Điều 7 Nghị định 45/2013/NĐ-CP đã hướng dẫn cách tính số ngày nghỉ hằng năm đối với trường hợp làm không đủ năm như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm; kết quả phép tính lấy tròn số hàng đơn vị, nếu phần thập phân lớn hơn hoặc bằng 0,5 thì làm tròn lên 01 đơn vị.

Trường hợp người lao động làm việc chưa đủ tháng, nếu tổng số ngày làm việc và ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động (nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114 và Điều 115 của Bộ luật Lao động) chiếm tỷ lệ từ 50% số ngày làm việc bình thường trong tháng theo thỏa thuận thì tháng đó được tính là 01 tháng làm việc để tính ngày nghỉ hằng năm.

  1. Nghỉ sinh có tính vào thời gian tính phép hăng năm hay không?

Theo Điều 6 Nghị định 45/2013/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động, thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm bao gồm:

- Thời gian học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động theo cam kết trong hợp đồng học nghề, tập nghề.

- Thời gian thử việc theo hợp đồng lao động sau đó làm việc cho người sử dụng lao động.

- Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động.

- Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng.

- Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.

- Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng.

- Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

- Thời gian nghỉ để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn.

- Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.

- Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc.

- Thời gian bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội.

Như vậy, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội vẫn được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm bao gồm. Điều này có nghĩa là, lao động nữ nghỉ sinh thì thì vẫn được tính vào thời gian tính phép hăng năm.