Sau Dịp Tết Nguyên Đán, Tại Sao Đường Huyết Của Bạn Lại Tăng?

Tết nguyên đán là một dịp lễ quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Nó không chỉ là dịp để kỷ niệm năm mới mà còn là thời điểm để gặp gỡ gia đình và bạn bè, cùng nhau tận hưởng những giá trị truyền thống và thể hiện lòng biết ơn và sự chia sẻ. Nhưng sau dịp lễ này, số người bệnh có triệu chứng của tăng đường huyết đi khám và số người nhập viện vì biến chứng của tăng đường huyết lại tăng đột biến, gây nhiều lo lắng cho bản thân người bệnh cũng như người thân. Vậy ta cùng tìm hiểu tại sao lại có tình huống này xảy ra và cách giải quyết sao cho phù hợp với khoa học nhất.

  1. Nguyên nhân tăng đường huyết sau dịp tết.

Sau dịp tết, đường huyết của người bệnh thường tăng do thay đổi chế độ ăn uống và lối sống:

  • Tăng tiêu thụ thức ăn giàu carbohydate và đường: Trong Tết Việt Nam, các món thực phẩm phổ biến bao gồm bánh chưng, bánh tét, mứt, cơm gạo nếp, nem rán, thịt kho, canh măng, gà nướng và các loại sản phẩm bánh, kẹo… Sự gia tăng tiêu thụ các thực phẩm có chỉ số tăng đường huyết cao mà không có sự cân bằng có thể gây ra sự tăng đột ngột của đường huyết.
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Trong dịp tết, thói quen ăn uống thường thay đổi, với việc ăn nhiều bữa lớn, chế độ ăn uống không đều đặn và không được điều chỉnh nên việc duy trì cân đối và kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ bị rối loạn.
  • Giảm hoạt động thể chất: Trong dịp tết, nhịp sinh hoạt thường thay đổi đáng kể so với thời gian bình thường. Mọi người tập trung thời gian để gặp gỡ bạn bè, thăm hỏi bạn bè, thăm hỏi người thân và tham gia các hoạt động truyền thống như lễ cúng và chơi các trò chơi dân gian. Các hoạt động này thường có thời gian kéo dài đến khuya nên thời gian hoạt động và thời gian nghỉ ngơi thường có sự thay đổi đáng kể, thời gian dành cho việc vận động cũng giảm đi có thể là một trong những nguyên nhân góp vào làm tăng đường huyết sau dịp lễ

Hình 1: Thực phẩm thường có trong dịp tết

Hình 2: Tết là dịp để mọi người quây quần bên mâm cơm gia đình, nhưng đó cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tiêu thụ các thực phẩm có chỉ số tăng đường huyết cao không kiểm soát. 

  1. Hậu quả của tăng đường huyết

Khi đường huyết của bạn không được kiểm soát tốt mà không được phát hiện sớm, sự gia tăng của đường huyết làm tăng nguy cơ gây ra các biến chứng cấp và đẩy nhanh tiến triển của các biến chứng mạn tính.

  • Các biến chứng cấp bao gồm: nhiễm toan ceton, nhiễm toan lactic, tăng áp lực thẩm thấu máu. Triệu chứng có thể xảy ra rất nhanh trong vòng vài giờ như tiểu nhiều, khát nước, thở sâu do tăng thông khí bù trừ (thở kiểu Kussmault), hơi thở có mùi ketone (giống mùi thuốc tẩy móng tay), một số bệnh nhân, nhất là trẻ em, có đau bụng, nôn, buồn nôn. Hoặc âm thầm, kéo dài vài ngày như mất nước nặng, rối loạn ý thức và dấu hiệu thần kinh khư trú như liệt nửa người, co giật…xuất hiện khi áp lực thẩm thấu > 320 mOsmol/kg. Nếu bệnh nhân không được xử trí kịp thời có thể gây biến chứng thần kinh không phục hồi.
  • Các biến chứng mạn tính: các biến chứng vi mạch như bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh thận đái tháo đường; các biến chứng thần kinh, các biến chứng mạch máu lớn như bệnh mạch vành, tăng huyết áp và đặc biệt là gia tăng tỉ lệ của bàn chân đái tháo đường làm tăng tỉ lệ nhập viện, tăng thời gian nằm viện, giảm thời gian sống của bệnh nhân đái tháo đường.

Hình 3: Biến chứng cấp hay mạn của đái tháo đường đều ảnh hưởng đến đời sống của người bệnh, cần chú ý ngăn ngừa tiến triển bằng cách duy trì đường huyết ổn định. 

  1. Làm cách nào có thể kiểm soát đường đường huyết

Kết hợp thay đổi chế độ ăn uống, chế độ vận động đóng vai trò nền tảng cũng như sử dụng thuốc để kiểm soát đường huyết được tốt hơn.

  • Kiểm soát thức ăn nạp vào: Lựa chọn các thực phẩm có chỉ số tăng đường huyết thấp, bổ sung lượng thức ăn phù hợp với nhu cầu cơ thể hiện tại, không nạp quá nhiều thức ăn có chứa nhiều carbohydrate và đường tổng hợp. Cần duy trì 3 bữa ăn chính, khuyến cáo không chia nhỏ bữa ăn. Đối với các bữa ăn phụ, khuyến cáo không sử dụng các thực phẩm tăng đường huyết nhanh như bánh mỳ, khoai nướng…, bệnh nhân có thói quen ăn bữa phụ khi đường huyết cao nên lựa chọn dưa chuột (nhiều xơ nước, ít bột đường), nên sử dụng các sản phẩm dành cho người đái tháo đường như bánh, sữa, ngũ cốc.

Hình 4: Lựa chọn thực phẩm thông minh giúp kiểm soát đường máu tốt hơn 

  • Tăng cường hoạt động thể lực: Tối thiểu 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần. Mỗi lần không dưới 10 phút. Giảm thời gian ngồi tĩnh tại. Tăng cường hoạt động trong ngày, kết hợp các loại hình tập luyện: aerobic, đi bộ, thể dục dụng cụ… Lựa chọn bài tập và mức độ tuỳ từng cá thể. Tập luyện giúp tăng độ nhạy insulin, cải thiện lipid máu, giảm huyết áp, cải thiện kiểm soát glucose máu, giảm nguy cơ tim mạch, giảm cân, tăng lượng cơ, tăng sức bền thể lực, ngăn ngừa/làm chậm diễn tiến đến ĐTĐ típ 2. Tập luyện có tác dụng tốt cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Lưu ý với người có bệnh tim mạch (cần được bác sỹ đánh giá bệnh tim mạch trước luyện tập).

Hình 5: Vận động nên được thực hiện ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em và người già. 

  • Tuân thủ chế độ điều trị: Các bệnh nhân đái tháo đường đang sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết (bao gồm cả dạng uống và tiêm) cần tuân thủ đúng chế độ dùng thuốc mà bác sỹ đã kê, đồng thời việc đi tái khám định kỳ thường xuyên giúp tạo sự kết nối giữa bác sỹ và bệnh nhân, giúp phát hiện các triệu chứng kịp thời, đồng thời đưa ra những điều chỉnh phù hợp, những tư vấn kịp thời cả về lối sống và dùng thuốc thích hợp với tình trạng bệnh nhân hiện tại.

Hình 6:  Các thuốc kiểm soát đường huyết 

  1. Kết luận

Việc duy trì chế độ ăn uống cân đối và kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ là rất quan trọng, bên cạnh đó là chế độ vận động cũng như chế độ dùng thuốc góp phần không nhỏ cho việc kiểm soát đường huyết một cách ổn định, tránh các biến chứng nặng nề cho người bệnh. Bệnh nhân nên tìm đến cơ sở y tế để có những tư vấn, giải pháp phù hợp cũng như giải quyết kịp thời các triệu chứng nặng do biến chứng của tăng đường huyết gây ra. 

                                                                                                        Bs Lê Thị Dương - Bs Nguyễn Thị Lệ Hằng

                                                                                                                    Khoa Nội Tổng hợp - lão khoa